Hệ phái Suzucho Karate-Do

0
3301

     Từ chiếc nôi là Đạo đường 8 Võ Tánh – Huế, Karate-Do phát triển thành nhiều Võ đường khác, và hình thành Hệ phái Suzucho Karate-Do.    

SUZUCHO, ghép tắt của hai từ Suzuki và Choji, là họ và tên của võ sư Suzuki Choji, người sáng lập Hệ phái Suzucho Karate-Do, là Chưởng môn Hệ phái Suzucho Karate-Do. Bởi tên thầy Chưởng môn gọi theo Hán tự có nghĩa là Linh Trường – thể hiện khát vọng lưu lại sự nghiệp dài lâu như tiếng chuông ngân xa, nên Suzucho Karate-Do còn được gọi là Linh Trường Không Thủ Đạo.

Toàn bộ hệ thống triết học của Hệ phái Suzucho Karate-Do được ngầm chứa trong 9 bài quyền đặc dị, gồm 6 bài YEN và 3 bài MAKI.

Số 9 biểu hiện khát vọng không ngừng vươn tới sự hoàn thiện hoàn mỹ, cũng là biểu hiện sự vận hành của Dịch lý.

YEN là đồng tiền, biểu tượng của sự giàu có, phong phú. Quá trình tập luyện Karate-Do là quá trình tự thăng hoa mình. Là quá trình un đúc cho mình một cái tâm tràn đầy như nước, một cái thần trong sáng như trăng, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển; một cái đức nhân ái, công bằng và cao thượng; một tri thức thấu đáo mọi lẽ; một cốt cách ung dung, trầm tĩnh, đĩnh đạt. Đó là quá trình đạt đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ.
AKI là cuộn, quyền, là quyền lực. Quá trình tập luyện Karate-Do còn là quá trình un đúc cho mình sức mạnh, bản lĩnh, quyền năng để vượt thắng những tác động của thiên nhiên: gió mưa, nóng lạnh, bệnh tật; những cám dỗ của trần thế: sắc đẹp, tiền tài, danh vọng; và nỗi sợ hãi trước lẽ thành bại, được mất, sống chết của kiếp người. Đó là quá trình đạt tới cõi tự tại, tự giác.

Cơ cấu tổ chức của Hệ phái được ghi rõ trong Điều lệ, còn gọi là Môn qui: Chưởng môn là người lãnh đạo tinh thần. Một Ban Chấp Hành, đứng đầu là Trưởng tràng, thay mặt Chưởng môn điều hành Hệ phái. Dưới Ban Chấp Hành là các Phân đường lớn, và Phân đường chi nhánh các tỉnh, thành, ngành. Dưới Phân đường tỉnh, thành, ngành là các Võ đường hoặc Câu Lạc Bộ cơ sở. Hệ phái là một tổ chức truyền thống hoạt động trên nền tảng Võ đạo Karate, Luật pháp quốc gia, và theo định hướng của ngành Thể dục Thể thao.

Sau khi Chưởng môn Suzuki Choji qua đời năm 1995, con trai trưởng của thầy là Võ sư Suzuki Tokuo đăng quang Chưởng môn đời thứ II, năm 1996.

Trong Hệ phái, Trưởng tràng là chức danh mang tính truyền thống. Là người chịu trách nhiệm trực tiếp với Chưởng môn. Là người phụ trách điều hành mọi hoạt động của Hệ phái. Trước 1995 và sau 2006, Trưởng tràng do Chưởng môn chỉ định. Từ 1995 đến 2006, Trưởng tràng do Đại hội Hệ phái bầu, được Chưởng môn xét duyệt và ra Quyết định bổ nhiệm.


Qua gần 50 năm hình thành và phát triển, Hệ phái có tất cả 14 đời Trưởng tràng, theo thứ tự: Nguyễn Nhuận (1966), Khương Công Thêm (1967), Nguyễn Xuân Dũng (1968 – 1970), Hạ Quốc Huy (1970), Trần Đình Tùng (1971), Hoàng Như Bôn (1972), Nguyễn Bá Kiều (1973), Lê Văn Thạnh (1973 – 1986), Ngô Văn Thanh (1986 – 1987), Lê Văn Thạnh (1987 – 1989), Hoàng Như Bôn (1989 – 1990), Khương Công Thêm (1990 – 1994), Nguyễn Văn Dũng (1995 – 2006), Lê Văn Thạnh (2006 – nay).

Hệ phái Suzucho Karate-Do hiện có hơn 40 Phân đường chi nhánh ở các tỉnh, thành, ngành trong nước, và 10 Phân đường chi nhánh ở nước ngoài, với khoảng hơn 30.000 môn sinh thường xuyên tập luyện. Nhiều người trong số đó là những Huấn Luyện viên, Trọng tài lão luyện của làng Karate-Do Việt Nam như: Võ sư Đoàn Đình Long, Lê công, Lê Văn Thạnh… Nhiều người trong số đó là những Vận Động Viên xuất sắc như Phạm Hồng Hà, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Vũ Quốc Huy, Hà Thị Kiều Trang, Vũ Thị Kim Anh…


Cũng như cây đại thụ có nhiều cành, nhiều nhánh, Hệ phái Suzucho Karate-Do phát triển rộng khắp, đã hình thành 03 Chi Phái và nhiều Phân đường lớn.

Ba Chi Phái:
            – Phái Minh Đạo (1966, tại Huế), của Võ sư Nguyễn Nhuận.
            – Phái Cương Nhu (1966, tại Huế) của Võ sư Ngô Đồng.
            – Phái Quyền Đạo Việt Nam (1982, tại Mỹ), của Võ sư Hạ Quốc Huy.

Và các Phân đường lớn. Mỗi Phân đường đều có sắc thái riêng mang đậm nét tính cách, nhân cách, quan điểm, quan niệm, sở trường, sở đoản, nghề nghiệp, vị trí xã hội… của vị Trưởng Phân đường:
              – PĐ Bodankyumi, của Võ sư Lê Văn Thạnh (Huyền đai Đệ Bát đẳng).
              – PĐ Sakura, của Võ sư Ngô Văn Thanh (Huyền đai Đệ Thất đẳng).
              – PĐ Nghĩa Dũng, của Võ sư Nguyễn Văn Dũng (Huyền đai Đệ Thất đẳng).
              – PĐ Nhân Trí Dũng, của Võ sư Hoàng Như Bôn (Huyền đai Đệ Thất đẳng).
              – PĐ Fuji của Võ sư Nguyễn Tấn Kiệt (Huyền đai Đệ Thất đẳng).
              – PĐ Choju, của Võ sư Trương Đình Hùng (Huyền đai đệ Thất đẳng).

Sự hình thành nét riêng trong cái chung, bộ phận trong tổng thể, là qui luật tất yếu của quá trình phát triển – thể hiện tính phong phú và đa dạng của nghệ thuật Karate. Điều quan trọng là làm thế nào để cái chung không cản trở cái riêng, cái riêng không tách lìa cái chung; làm thế nào để cùng nhau phát triển trong mối giao tình huynh đệ đồng môn, và trên tinh thần Võ đạo Karate. Đó là vấn đề không chỉ của riêng Hệ phái Suzucho, mà còn là của làng Karate-Do Việt Nam, và của cả nền Võ thuật nước nhà.


Sưu tầm: Nghĩa Dũng Karate

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here