Phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do

0
3261

a. Nguồn gốc: 

Hệ phái Suzucho Karate-Do phát triển rộng khắp, dẫn đến việc hình thành nhiều Chi Phái và Phân đường khác nhau. Nghĩa Dũng Karate-Do là một trong những Phân đường lớn của Hệ phái Suzucho Karate-Do. Phân đường được thành lập năm 1978, bởi Võ sư Nguyễn Văn Dũng, môn đồ của thầy Chưởng môn Suzuki Choji. Võ đường Trung tâm đặt tại 8 Trương Định – TP Huế. 

Karate-Do là môn võ thuật truyền thống của Nhật Bản, với mục đích đào luyện thể chất và tinh thần. Cuối thập niên 1950, trong xu thế giao lưu và phát triển, một khuynh hướng mới được hình thành, là khuynh hướng thể thao hoá Karate-Do, mà biểu hiện rõ nhất là chấp nhận thi đấu và tổ chức các giải đấu cấp vùng, quốc gia, và quốc tế. Sau những tranh cãi quyết liệt, cuối cùng khuynh hướng mới thắng thế, góp phần giúp Karate-Do phát triển phổ cập đến nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, còn nhiều Võ sư, trong đó có Tổ sư Funakoshi Gichin vẫn kiên định quan điểm truyền thống của mình.

Thập niên 1960, thầy Suzuki Choji du nhập môn Karate-Do vào Việt Nam cũng với tinh thần Võ đạo truyền thống của Tổ sư Funakoshi Gishin. Thầy rất ghét những kẻ dùng võ đánh người. Thầy nghiêm cấm tuyệt đối không được giao thủ với người khác phái, không được thượng đài tranh thắng thua… 

Tháng 12/1987, “Hội nghị hội thảo toàn quốc về Karate” lần đầu tiên tổ chức tại Huế, đánh dấu bước đầu Hệ phái Suzucho Karate-Do tiếp cận nền Karate-Do quốc tế hiện đại. Đặc biệt, tháng 7/1989, tại Hà Nội, sau đợt tập huấn với chuyên gia của Hiệp hội Karate-Do Nhật Bản – Võ sư Yamamura, Hệ phái Suzucho Karate-Do đứng trước sự lựa chọn: giữa con đường Võ đạo truyền thống của thầy Chưởng môn Suzuki Choji, và xu thế thể thao hoá của thời đại. Trong lúc hầu hết cao đồ của thầy Suzuki Choji hoà theo khuynh hướng thể thao hoá môn võ thuật truyền thống Karate-Do, Võ sư Nguyễn Văn Dũng dần dà kiên định con đường của thầy mình: Duy trì truyền thống, kết hợp với tinh hoa của Karate quốc tế hiện đại. Coi trọng kỹ thuật căn bản, quyền pháp, kỹ năng tự vệ, rèn luyện sức khoẻ, và tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Tuy chương trình đào luyện có nội dung thi đấu, nhưng không vì mục đích tranh dành huy chương; mà coi thi đấu là phương thức để giao lưu, học hỏi, kiểm tra mình, thể hiện mình, và phát hiện tài năng Karate cho thể thao nước nhà. Đó là nét đặc trưng cơ bản của Phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do.

Ảnh: Hội nghị Karate-Do Toàn quốc lần đầu tiên tại Huế – 1987.


b. Trưởng Phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do

Ảnh: Võ sư Nguyễn Văn Dũng.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng, sinh ngày 08 tháng 10 năm 1941, tại Thừa Thiên – Huế. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Huyền đai Đệ Thất đẳng. Nguyên Trưởng tràng Hệ phái Suzucho Karate-Do nhiệm kỳ 1995 – 2006. Nguyên cán bộ chuyên trách Văn – Thể – Mỹ của Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục Thể chất & Quốc phòng Trường Đại học Phú Xuân – Huế.

c. Tên gọi.

       – DŨNG là tên của người sáng lập Phân đường. NGHĨA là tôn chỉ của Phân đường.
       – Nội dung của NGHĨA bao gồm: Đức nhân ái, lòng trung thành, trọng danh dự, tinh thần trách nhiệm, công minh chính trực, bao dung cao thượng.
       – DŨNG trong Nghĩa Dũng cũng còn là sức mạnh, niềm tin, khí tiết.
       Những phẩm chất ấy là mục đích tối thượng mà môn sinh của Phân đường Nghĩa Dũng phải luôn thành tâm tu dưỡng, hoàn thiện.


Ảnh: Trưởng Phân đường chi nhánh các tỉnh, thành, ngành.

d. Phù hiệu:

Phù hiệu Phân đường
Nền hình vuông màu đỏ, vòng tròn ở giữa màu trắng.
Ý nghĩa:
      – Màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, màu trắng tượng trưng cho mặt trăng. Mục đích sau cùng của quá trình rèn luyện, tu dưỡng là: Thân dẻo dai cường kiện, Trí sáng ngời nhật nguyệt, Tâm tĩnh lặng vô ưu.     
      – Vòng tròn và hình vuông mang thông điệp: sống vuông tròn, có thuỷ có chung.
      – Phù hiệu được thiết kế theo dạng hình thoi, thể hiện tư tưởng: Thiên – Địa – Nhân.


e. Truyền thống.

Sau 30 năm hình thành và phát triển, Phân đường nghĩa Dũng Karate-Do đã xây dựng được 4 truyền thống, vừa là thành quả, vừa là “thương hiệu”, vừa là niềm tự hào của Phân đường:

       Truyền thống văn hay võ giỏi:

Hầu hết võ sinh của Phân đường là học sinh và sinh viên. Do mục đích của người dạy và người tập là chăm học và học giỏi, nên võ sinh thường là học sinh giỏi. Nhiều võ sinh tốt nghiệp đại học. Nhiều võ sinh là tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, giáo viên, nhà báo, nhà nghiên cứu, lại có cả ca sĩ, nhà văn, nhà thơ… Tiêu biểu: TS  Lê Hoài Trung, TS Bùi Dũng, TS Nguyễn Văn Hiệp, TS Lê Đình Khánh, TS Phan Trung Đông, TS Phan Thanh Hải, KTS Võ Đại Hoài Thanh, Nguyễn Đức Mạnh Tường, nhà báo Lê Thanh Phong, Khánh Hiền…

Ảnh: HLV – Tiến sĩ Bùi Dũng, Huyền đai Đệ Tứ đẳng.
Ảnh: HLV – Ca sĩ Thái Hoà cùng thầy mình trên đỉnh Bạch Mã.

Do coi trọng truyền thống tôn sư trọng đạo, nề nếp kỷ cương, phương pháp sư phạm, công cụ tập luyện hiện đại… nên võ sinh đều nhanh chóng thuần thục các kỹ năng Karate. Trường hợp đặc biệt cần phải tham gia biểu diễn hay thi đấu, võ sinh của Phân đường Nghĩa Dũng đều không thua kém ai.


Ảnh: VĐV Kim Anh – HC Vàng Karate-Do châu Á.

Ảnh: Đoàn VĐV của Võ đường Nghĩa Dũng tại Giải Vô địch Karate-Do Tỉnh TT-Huế năm 2003.

      Truyền thống đoàn kết yêu thương:

Ở Phân đường, người thầy cũng là người cha (sư phụ), anh em (huynh đệ) cũng là tay chân ruột thịt. Võ sinh tìm thấy ở Võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do không khí ấm áp, tình nghĩa của một mái gia đình

Ảnh: Đại diện môn sinh tham dự Tất niên tại Phân đường Nghĩa Dũng trung tâm.

    Truyền thống từ thiện:

Những lúc thiên tai, bão lụt, Phân đường thành lập lực lượng “đặc nhiệm” đi cứu giúp đồng bào. Hàng tháng, Phân đường vận động mỗi võ sinh góp 1 lon gạo; tập trung thành hàng trăm kg gạo đem giúp người nghèo. Mùa đông, Phân đường quyên góp áo quần cũ đem tặng người cùng khổ…

Đóng góp chút công sức nhỏ tuy không lớn về mặt vật chất, nhưng có ý nghĩa về mặt giáo dục – khiêu gợi nơi các em lòng trắc ẩn và trách nhiệm đối với người chung quanh.

Ảnh: Lớp võ  từ thiện tại Cô Nhi Viện Đức Sơn.
Ảnh: Lon gạo dành cho người nghèo.

      Truyền thống hoà nhập thiên nhiên và bảo vệ môi trường:

Thiên nhiên là người bạn thuỷ chung, là người thầy vĩ đại. Giáo dục để có hiệu quả, không thể tách khỏi thiên nhiên. Ý thức rõ điều ấy, nên hàng tháng, hoặc hàng quí, Huấn Luyện viên của Phân đường tổ chức cho võ sinh dã ngoại, tham quan danh lam thắng cảnh. Sau 3 năm kiên trì tập luyện, ngày thi lên huyền đai, võ sinh mang ba lô theo thầy hành quân lên núi Bạch Mã (1.450m); vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, vừa kiểm tra thành quả tập luyện, vừa chiêm nghiệm bản thân… đặc biệt, qua thực tế, võ sinh còn được học bài học giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.


Ảnh: Khoá Bạch Mã 2008 – bên thác Đỗ Quyên.
Ảnh: Khoá Bạch Mã 2006 – đầu thác Đỗ Quyên.

      Núi cao là nơi un đúc những giá trị tâm linh.
      Từ lâu, Bạch Mã Sơn trở thành biểu tượng của Phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do.

 Ảnh: Rừng Vĩnh Viễn – Bạch Mã.

Sưu tầm: Nghĩa Dũng Karate

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here